-
- Tổng tiền thanh toán:
Kiến thức cho người bệnh viêm xoang mũi
Tác giả: Phan Thanh Dũng Ngày đăng: 17/01/2016
Đặc điểm khí hậu gió mùa của nước ta cùng với môi trường nhiều khói, bụi ô nhiễm hiện nay làm cho tỷ lệ người bệnh đường hô hấp ngày càng có xu hướng gia tăng điển hình là các bệnh viêm xoang mũi. Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh những các triệu chứng của bệnh thường kéo dài và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người bệnh. Dưới đây là một số kiến thức về căn bệnh này.
1. Nhóm nguyên nhân gây ra viêm xoang mũi
Viêm xoang mũi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra chứ không phải chỉ do các tác nhân là các yếu tố dị ứng bên ngoài. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang mũi:
- Do viêm mũi họng cấp hoặc viêm mũi cấp hoặc các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp, nhiễm khuẩn do răng dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài gây viêm xoang.
- Do các yếu tố kích thích lý, hóa học, các hơi khí hóa chất độc, độ ẩm cao cũng là nguyên nhân gây viêm xoang cấp.
- Do người bệnh bị chấn thương do hỏa khí, cơ học hay áp lực gây xuất huyết, phù nề, thương tổn niêm mạc và thành xoang.
- Các yếu tố khác như lệch hình vách ngăn, hoặc nhét bắc mũi làm ứ tắc xuất huyết xoang.
- Do ảnh hưởng bởi một số bệnh khác như đái tháo đường ..
- Do người bệnh sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.
- Do tuyến nhầy của viêm mạc xoang hoạt động quá nhiều.
- Do người bệnh bị viêm mũi sau nhiễm siêu vi (cúm, sởi…), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài. Cũng có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên. Dùng aspirin trong trường hợp không dung nạp được thuốc, làm nặng thêm polýp mũi xoang có sẵn.
2. Các dạng viêm xoang mũi thường gặp
Dựa trên thời gian tiến triển của bệnh, và tùy theo tình trạng viêm mà người ta chia viêm xoang ra làm 2 dạng: Viêm xong cấp và viêm xoang mãn. Viêm xoang cấp là loại viêm xoang kéo dài ít hơn 3 ngày, viêm xong bán cấp kéo dài từ 1 – 3 tháng, và viêm xoang mạn tính là loại viêm xoang kéo dài hơn 3 tháng.Viêm xoang cấp thường thứ phát sau viêm mũi dị ứng, nhiễm siêu vi đường mũi. Viêm xoang bán cấp và mạn là kết quả của việc điều trị viêm mũi cấp không triệt để.
3. Triệu chứng của viêm xoang
Thông thường các triệu chứng của viêm xoang chỉ là mệt mỏi, sốt nhẹ. Cũng có một số trường hợp người bệnh viêm xoang bị sốt cao, nhất là trẻ em. Người bệnh có cảm giác đau vùng mặt, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu.
Vùng đau nhức nhất là vùng quanh mắt, cảm giác đau thành cơn, theo nhịp mạch đập. Khi ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường vào lúc từ 8 giờ tới 11 giờ. Bệnh nhân thường xuyên thấy ngạt, tắc mũi.
Tùy theo tình trạng viêm mà bệnh nhân có thể bị tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể mủ lẫn máu.
Các trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập. Vùng lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối, chảy mủ mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mùi hôi. Xì mạnh đôi khi thường gây đau và lẫn tia máu. Viêm xoang cấp có thể tự khỏi nhưng cũng dễ chuyển thành viêm xoang mạn.
4. Các phương pháp điều trị viêm xoang
Bệnh viêm xoang nếu được điều trị đúng sẽ cải thiện sớm và hiệu quả, bệnh nhân cần hết sức kiên trì, kiêng cữ tuân thủ đúng liều thuốc, thời gian điều trị cũng như lời khuyên của bác sĩ. Các phương pháp điều trị chủ yếu là:
- Điều trị nội khoa : Kháng sinh, giảm đau, co mạch, chống dị ứng.
- Điều trị bằng thủ thuật : Xông mũi xoang, kê kê, chọc rửa xoang.
Các trường hợp bệnh nhẹ không cần sử dụng đến kim, kéo, mà chỉ rửa xoang, làm sạch mũi. Biện pháp này không gây đau và chảy máu. Bên cạnh đó, dùng thuốc kháng sinh đủ liều, đều đặn để diệt vi khuẩn gây bệnh.
Rửa mũi, làm sạch mũi trong các trường hợp viêm xoang nhẹ
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân chú ý điều chỉnh nhiệt độ trong nhà vừa phải, xông mũi bằng hơi nước nóng, uống nhiều nước để làm loãng chất tiết. Có thể sử dụng thuốc chống sổ mũi giúp mủ và chất nhầy thoát ra, tuy nhiên phải cẩn thận khi dùng vì dễ gây hại nhiều hơn khi làm khô mũi quá mức và các chất không thoát ra ngoài được.
Nếu không hiệu quả, bệnh nhân có thể được tư vấn phẫu thuật nội soi để nạo vét mủ đọng, chống viêm nhiễm lan toả. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, khả năng phục hồi đạt 80%.
5. Dinh dưỡng cho người bệnh
Người bệnh viêm xoang nên hạn chế các thực phẩm từ bơ sữa, nên tránh ăn tối muộn, tránh các thức ăn mang tính kích thích chứng ợ nóng hay trào ngược acid, hạn chế cafein và rượu
Người bệnh cần uống nhiều nước, có thể áp dụng một số loại trà như trà hoa cúc, trà hoa cúc lá dâu, nước cà chua – rau cần tây, cháo đậu đỏ – bắp. Đây là các món có tác dụng thanh nhiệt, thông mũi tốt cho người bệnh viêm xoang.
6. Phòng ngừa bệnh viêm xoang
Để phòng ngừa viêm xoang, chúng ta nên lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, ăn uống đủ dinh dưỡng.
- Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa cho trẻ mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ.
- Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi. Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.
- Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
Khi bệnh nhân thấy có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần đến ngay bệnh viện, không nên tự mua thuốc điều trị.